Cách nay khoảng bảy tám chục năm về trước, hầu hết người dân làng này đều tham gia nghề đúc đồng. Ngày đó, làng chỉ độ 130 hộ mà có đến quá nửa làm nghề đúc đồng. Đây là nghề chính nuôi sống người dân nơi đây.
Theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Tính (84 tuổi), trước đây là người buôn bán đồ đồng có tiếng ở đất Hà Tĩnh thì ngoài việc đúc các sản phẩm lớn phục vụ cho đình chùa, miếu mạo,…làng còn đúc cả những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như xoong, nồi, mâm đồng. Làng lập ra các phường, hội để thu mua nguyên liệu và bán sản phẩm sang các vùng lân cận. Nhiều lúc không đủ hàng, các thương lái phải đến từng lò để đặt hàng trước, họ ăn ở ngay tại đây để chờ lấy hàng đem đi bán.
Biết đúc đồng từ lúc 11 tuổi, đến nay cụ Phạm Văn Phụng (79 tuổi) là đời thứ 4 của gia đình có truyền thống đúc đồng lâu nhất ở làng này. Cụ cho biết: Thủy tổ Phạm Húy Toán, vị tổ nghề chính là kỵ nội của cụ. Riêng đời cụ Phụng đã đúc không biết đến bao nhiêu sản phẩm từ chuông đồng loại nhỏ, chiêng, xoong, nồi, mâm… Những sản phẩm này được bán ở các nơi trong và ngoài tỉnh như Can Lộc, Hương Khê, Hương Sơn, Quảng Bình, Quảng Trị …
Ngày đó lò đúc nhà cụ không khi nào tắt lửa. Có hôm cả hai ông bà thức trắng đêm làm cho kịp hàng, “tui thì cầm đèn dầu cho ông đổ khuôn, nhiều lúc buồn ngủ quá, mắt thì nhắm liu riu còn tay vẫn cầm đèn như tượng vậy” bà Lê Thị Thơm vợ ông chia sẻ.
Nhà ông vào lúc cao điểm cũng có hơn chục người tới đặt hàng, rồi ngủ lại chờ ngày mai lấy hàng rồi mang đi bán luôn. “Thời đó, làng giàu lắm! Nhà nào biết đúc thì đúc, những nhà không đúc thì đi thu mua đồng ở các nơi khác về cung cấp cho các lò. Nhờ vậy nhà cửa khá khang trang, con cái được học hành, kinh tế cũng tươm tất” - cụ ông kể.
Quyết giữ lấy nghề ông cha
Bây giờ giữa cái nắng mùa hè oi bức, lại mất điện triền miên vậy mà một mình ông Phụng vấn cởi trần nung khuôn đúc bằng rơm. Thỉnh thoảng ông mới đúc đồng khi có người đặt hàng còn thì ông đúc nhôm. Xưa kia cả làng có hơn 70 hộ đúc đồng nhưng từ khi chuyển sang nghề đúc nhôm hơn chục năm nay giờ cả làng chỉ còn mình cụ Phạm Văn Phụng đang nắm giữ được bí truyền của nghề đúc đồng.
Theo cụ Phụng: “Đúc đồng là một nghề rất vất vả nên ít người còn theo được. Đúc đồng đòi hỏi kỷ thuật cao hơn so với đúc nhôm. Ngoài nhiệt độ, cách pha chế lẫn cách làm khuôn cũng khác. Còn đúc nhôm thì dễ hơn, nguyên liệu cũng dễ kiếm hơn có thể tận dụng khuôn đúc đồng cũ. Nhà tôi bắt đầu chuyển sang đúc nhôm khoảng từ năm 1990, lúc trước còn chiến tranh cả nước tập trung cho tiền tuyến, nguyên liệu đúc do nhà nước quản lý, nên không có đồng sản xuất, vì vậy nghề đúc đồng bị gián đoạn một thời gian dài. Mãi cho đến những năm 90, tôi và ba người trong xóm bắt đầu nhen nhóm lại nghề đúc đồng nhưng do lúc đó không thể cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại trên thị trường nên đành phải chuyển sang đúc nhôm”.