Chat Zalo
Chat Facebook
0912.055.661

Cô Giáo Giao Thủy Gom Đồ Đồng Nát Mở Bảo Tàng Đồng Quê

Lo cho thế hệ mai sau sẽ không được thấy những đồ vật thường ngày gắn bó với người nông dân, cô giáo làng cất công đi khắp các tỉnh thu gom đồ đồng nát về lập bảo tàng. Cô là Ngô Thị Khiếu, người mở bảo tàng đồng quê ở thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, Nam Định.

 

Khu nhà hiện đại, nằm ở chính giữa của bảo tàng đồng quê.

 

Đi khắp nơi gom đồ đồng nát

 
Cô Khiếu và chồng của mình, thầy giáo Hoàng Kiền đều sinh ra và lớn lên ở làng quê, lại có nhiều năm dạy học ở đây nên có nhiều kỷ niệm gắn bó với quê hương.
 
Trong quá trình đi công tác, cô bắt gặp những hiện vật bị người ta bán đồng nát rất rẻ như cái gầu múc nước, cái kiềng ba chân, lưỡi cày... Sợ mai sau những nông cụ này không còn nữa, cô đã tiết kiệm tiền lương để mua về nhà. Càng gom lại càng ham, đến lúc về hưu cô đã gom được rất nhiều "đồ đồng nát".
 
"Những hiện vật ấy nếu bán đồng nát thì rất rẻ tiền, nhưng nếu giữ lại được cho thế hệ mai sau thì nó vô giá", cô Khiếu tâm sự.
 
Cô Ngô Thị Khiếu bên chiếc gầu tát nước - hiện vật đồng quê mà cô sưu tầm được
 
Một lần về dự lễ khai giảng trường mầm non xã Giao Thịnh, thấy các em học sinh ở quê còn nghèo, không có sách đọc, cô đã đề nghị với đồng chí Phó Chủ tịch xã cho mua lại một sào ruộng ngay cạnh trường mầm non để cô mở thư viện miễn phí cho các em.
 
Những đồ vật trước đây sưu tầm được, cô Khiếu mang về quê, trưng bày trong thư viện để ai đến đọc sách đều có thể tham quan. "Ý tưởng của vợ chồng tôi lúc đầu chỉ là mở một thư viện nhỏ cho làng thôi. Nhưng sau được chính quyền và bà con ủng hộ nên mới xây dựng bảo tàng như bây giờ", cô Khiếu chia sẻ.
 
Trong một lần về thăm thư viện của cô, Chủ tịch huyện Giao Thủy lúc đó là ông Trần Xuân Nghinh đã động viên cô nên mở một bảo tàng mang đậm nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ và chính quyền sẽ ủng hộ cô bằng cách cho cô mượn 5.000m2 đất trong vòng 30 năm. Sau đó, cô Khiếu đến tham khảo ý kiến giáo sư Đặng Vũ Khiêu, được cụ tán đồng và tặng cho đôi câu đối đề ở cổng bảo tàng: "Giữ lấy tinh hoa từ thủa trước/ Để cho con cháu mãi ngàn sau".
 
Được lời như cởi tấm lòng, hai vợ chồng cô bắt tay lên ý tưởng xây dựng bảo tàng. Đến năm 2010, khi hai vợ chồng cô được nghỉ hưu, thì bảo tàng đồng quê chính thức được khởi công trên khuôn viên rộng 5.000m2 ở làng Bỉnh Di.
 
Bảo tàng đồng quê
 
Trong những ngày bảo tàng khởi công, hai vợ chồng cô đều bận tối ngày. Chồng cô ở nhà chỉ đạo thợ xây dựng. Còn cô vẫn lặn lội mưa gió, rét mướt bỏ tiền túi bắt xe ôm đi sưu tầm hiện vật. Đến nay, cô đã có hơn 1.000 hiện vật để trưng bày tại bảo tàng, trong đó nhiều nhất là đồ đồng (2 tấn), đồ sành, sứ (1 tấn).
 

Tầng 3 của nhà hiện đại trong bảo tàng sẽ dùng làm thư viện với hơn 1.000 đầu sách mà vợ chồng cô sưu tầm được

 

Lúc đầu nhiều người góp ý đặt tên bảo tàng là Khu văn hóa truyền thống và bảo tàng lúa nước. Nhưng sau nhiều đêm trăn trở, hai vợ chồng cô quyết định đặt tên bảo tàng là "Bảo tàng đồng quê" với mong muốn sẽ lưu giữ được không chỉ những hiện vật mà còn tái hiện được không khí, cuộc sống ở thôn quê.

 
Cấu trúc của bảo tàng gồm 5 kiểu nhà chính: Nhà tranh vách đất của tầng lớp bần nông, có bếp truyền thống; Nhà trung nông gồm nhà chính và một nhà ngang, phía trước có sân gạch, có mảnh vườn nhỏ, có cổng vào nhà và dậu cây. Trong nhà chính có người làm nghề dệt chiếu, nhà ngang có bếp kiềng ba chân, có cối xay thóc, dã gạo, có chỗ nấu rượu truyền thống; Nhà địa chủ có nền cao, nhà rộng, có sân, vườn cây rộng, trong nhà có sập lớn, giường lớn.
 
Kiểu thứ 4 là nhà Cát Tường, kiểu nhà đặc trưng của vùng quê ven biển Nam Định sau hòa bình. Trong nhà có giường mới, ti vi, tủ lạnh, quạt trần và các đồ dùng sinh hoạt phổ biến hiện nay. Nhà hiện đại nằm ở chính giữa khuôn viên bảo tàng có bốn tầng. Tầng một là bảo tàng quân đội trưng bày các hiện vật thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tầng hai là bảo tàng đồng quê, trưng bày các hiện vật là đồ dùng sinh hoạt và nông cụ gắn bó với người nông dân từ xưa tới nay. Tầng 3 là thư viện đọc sách, báo miễn phí. Vì đều ham đọc sách nên đến nay hai vợ chồng cô đã tự sưu tầm được hơn 1.000 đầu sách, trong đó có nhiều bộ sách quý từ thời trước năm 1975. Tầng 4 sẽ dùng làm nơi hội thảo, trao đổi của du khách và các nhà nghiên cứu đến bảo tàng.
 
Một góc khuôn viên bảo tàng
 
Chia sẻ về bảo tàng, cô Khiếu cho biết: "Bảo tàng đồng quê sẽ tái hiện lại hơi thở, không khí lao động, sinh hoạt ở làng quê để đem lại cảm nhận thực tế cho khách tham quan chứ không phải chỉ trưng bày hiện vật, mô phỏng như các bảo tàng khác".
 
Để thực hiện ý tưởng này, cô đã thiết kế trong khuôn viên bảo tàng có cả một ao thả cá, một chuồng nuôi lợn, gà, một mảnh đất nhỏ trồng lúa, trồng ngô, khoai, sắn... Cô sẽ khôi phục lại nghề truyền thống như dệt chiếu, nấu rượu nếp... ngay trong bảo tàng.
 
Được sự ủng hộ, giúp đỡ của bà con trong làng ngoài xã và chính quyền địa phương nên đến ngày 12/12/2012, "Bảo tàng đồng quê" của vợ chồng cô Khiếu chính thức khánh thành. Sau này, vợ chồng cô sẽ trao bảo tàng cho địa phương để làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. 
 
LangBiang
Video thực tế