Tranh Đồng Đám Cưới Chuột 60cm x 80cm
Đám cưới chuột là bức tranh dân gian Đông Hồ khá nổi tiếng. Ý nghĩa khái quát của nó là "Vinh Quy". Tuy nhiên vẫn có rất nhiều cách hiểu khác nữa. Cùng đúc đồng Đại Bái tìm hiểu bức tranh dân gian trên chất liệu đồng này
Tranh Đồng Đám cưới chuột 60cm x 80cm
Bức Tranh dân gian Đám Cưới Chuột được chạm thủ công bằng đồng liền tấm, nền đen, khung gỗ màu đen viền vàng, kích thước tiêu chuẩn 60cm x 80cm dùng để treo nơi phòng khách, phòng làm việc...
Ý nghĩa "Vinh Quy" của bức tranh "Đám cưới chuột" - đề cao chuột:
Trong một số tranh treo vào những ngày Tết Nguyên đán của chúng ta, bức tranh gây được ấn tượng dai dẳng và được nhiều người ưa thích là bức tranh Đám cưới chuột còn gọi là Trạng chuột vinh quy.
Điều này cũng có lý. Bởi tranh về chuột mà lại giàu tính xã hội, nói lên chuyện con người. Cái thời mà các nghệ sĩ nông dân tài hoa rất mực của làng Mái Đông Hồ vẽ nên bức tranh ấy là cái thời mà ai cũng mong mỏi hai sự việc lớn trong đời. Đó là đại vinh quy tức là thi đỗ làm quan về, tiểu vinh quy là lấy được vợ như ý.
Đám cưới rất trang trọng, mang đậm cái hình ảnh ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau. Chàng xênh xang trong bộ áo gấm xanh. Nàng mặc áo màu gụ. Họ được rước đi, rạng rỡ trên con đường làng màu son nhạt với những vạt cỏ màu mạ. Chuột Trạng hoặc chuột chú rể được che lọng tía tượng trưng cho vinh quang, danh vọng lớn. Chuột cô dâu dịu dàng trong chiếc kiệu bát cổng có nhiều hoa văn trang trí kiểu cổ. Bốn chú chuột hầu hạ, ghé vai khiêng. Đám rước còn có biển đỏ, dàn nhạc. Hai chú chuột thổi hai chiếc kèn có cung bậc khác nhau: kèn pha và kèn đại. Trang phục các chú chuột “điểu đóm” là một loại gần như lòe loẹt, tinh nghịch gợi người xem liên tưởng tới kiểu trang phục của các anh hề ở gánh xiếc. Bức tranh tưng bừng về màu sắc, hài hòa về nhân vật, sinh động, rộn lên vẻ đùa giỡn, giễu cợt, trào lộng. Người ta thấy cái quần bó là rất thích hợp với hình dáng của các chú chuột nhanh nhẹn và năng động, phảng phất kiểu dáng của chiếc quần bò ngày nay.
Nhưng, cái hay, cái thú vị lại là ở chỗ có ông Mèo già ngồi đón đường đám rước khiến người ta nghĩ ngay tới câu chuyện về mèo và chuột vốn là hai loài xung khắc, đối lập nhau.
Chuột thuộc âm mà mèo thuộc dương. Cả hai đều phải tuân theo quy luật hài hòa của tạo hóa nên cuộc đấu tranh nào cũng phải có sự nhượng bộ lẫn nhau. Trong việc cư xử cũng vậy. Lúc này đây, nhà chuột đã có lễ biếu ông Mèo. Chuột đi đầu dâng lễ lại là con chuột đặc biệt, vào loại anh chị, đáo để, đã “thân qua bách chiến” đến nỗi cụt cả đuôi. Do đó, ông Mèo già cũng hơi ngán. Tuy vậy, chú rể, cô dâu và cả họ hàng nhà chuột vẫn chưa thật vững tâm. Họ vẫn còn mắt trước mắt sau, e ngại có chuyện gì đó sẽ xảy ra... Chú chuột mang con cá biếu ông Mèo, có dáng điệu khúm núm, sợ sệt khi nhìn thấy kẻ mạnh hơn mình.
Lại nữa, chuột tuy có nhiều điều xấu, tội lỗi và đáng ghét song chuột lại tượng trưng cho sự phồn thực. Đẻ như chuột mà. Ở đâu có chuột là nơi ấy có gạo, có cánh đồng, vựa thóc. Năm nào mèo ăn chuột quá tích cực thì mùa màng hỏng vì có sự hoạt động của nhà có nhiều thóc. Bức tranh còn nói lên rằng nhà chuột cũng rất chịu khó học hành để được đỗ đạt. Chuột cũng chung tình như ai chứ không phải loại (mèo mả gà đồng)...
Bức tranh Trạng Chuột vinh quy hay Đám cưới chuột còn sống mãi với Tết cổ truyền của chúng ta:
Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ đám cưới chuột, nhớ tranh lợn gà...
* Bức tranh dân gian dưới góc nhìn chống tham nhũng - châm biếm, chỉ trích cả chuột và mèo:
Tết Nguyên đán, cùng với “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ – Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, mỗi gia đình người Việt xưa còn treo tranh Tết. Tranh Tết thường là tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống. Từ trong cung vua đến hàng phố, làng quê; từ nhà giàu cho chí nhà nghèo đều có tranh dân gian treo Tết. Trong nhà có tranh thờ, tranh trang trí ngày xuân; trên cánh cửa thường là đôi bức tranh Gà hay Hai tướng canh cửa để cầu phúc, cầu may, trừ tà…
Tranh dân gian ngày Tết mang đầy ý nghĩa nhân văn. Tranh Gà nói về tình mẫu tử, tình yêu thương, đùm bọc nhau giữa các thành viên trong gia đình, về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Tranh Lợn biểu tượng của sự sung túc, no đủ. Tranh Lí ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng) ngụ ý về tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên, phấn đấu trong học tập, sự thành đạt của gia chủ. Tranh Phú quý và Vinh hoa là hai bức tranh thường treo cặp đôi biểu tượng cho những điều mong ước tốt đẹp như tên tranh. v.v. Những bức tranh dân gian Đông Hồ như tranh Gà, tranh Lợn, tranh Hứng dừa, tranh Đánh ghen, tranh Thầy đồ cóc, tranh Đám cưới chuột… thể hiện đậm đà tâm hồn, tính cách thuần hậu, chất phác, hồn nhiên của người bình dân và cũng giàu chất triết lí dân gian, triết lí cuộc sống sâu sắc và ý nhị. Đám cưới chuột là bức tranh quen thuộc với mọi người dân Việt. Bức tranh cũng có ý nghĩa triết lí sâu xa. Đặc biệt, nó mang nhiều ý nghĩa nhân văn trong một thời điểm mà Luật chống tham nhũng của Nhà nước ta vừa được Quốc hội thảo luận và thông qua, trong thời điểm mà tinh thần đấu tranh chống tham nhũng trong nhân dân đang dâng cao. Bức tranh được bố cục chặt chẽ. Có thể thấy rất rõ hai mảng tiểu nội dung: phần trên là cảnh ăn hối lộ và đưa hối lộ, cảnh dưới là cảnh đám cưới nhà Chuột, cảnh ngựa anh đi trước, kiệu nàng đi sau. Lễ cưới là việc “đại hỉ”, nhưng để trót lọt, Chuột phải “lễ” quan Mèo nào gà, nào cá. Ý nghĩa chung toát lên từ bố cục này là: muốn đám cưới diễn ra một cách trót lọt, xuôi chèo mát mái thì phải lo lót cho kẻ có quyền thế.Trước hết là cảnh hối lộ và nhận hối lộ. “Quan” Mèo được miêu tả mang tính chất tượng trưng, đầy ẩn ý – rất mập mạp, béo tốt, là kẻ được ăn uống đủ đầy. Việc hối lộ cũng đẩy lên một cách trang trọng (đi thành đoàn, kèn trống nghiêm chỉnh). Rõ ràng, đây là một việc làm không thể xem thường. Người hối lộ thì kúm núm, nịnh bợ; kẻ nhận hối lộ thì “tay” giơ lên ra vẻ không cần, nhưng cũng có vẻ giống như đang đưa “tay” đón nhận. Phần trên của bức tranh đã thể hiện được bản chất của sự việc: đưa và nhận hối lộ.Phần dưới của bức tranh là cảnh đám cưới. Đây không phải là đám cưới của người bình dân, mà là một đám cưới của một kẻ có địa vị. Bằng chứng là có biển có lọng, chú rể đội mão quan, cô dâu ngồi trong kiệu. Vậy là, quan nhỏ muốn công việc của mình thuận lợi thì phải lễ lạt quan lớn hơn mình, “biết điều” với kẻ có quyền thế hơn mình. Đó là chuyện đưa và nhận hối lộ trong hàng quan lại phong kiến xưa. Quan nhỏ tham nhũng để có tiền, có bạc, có lễ vật biếu xén, nịnh bợ quan trên. Mục đích lễ lạt, biếu xén ấy là để thăng quan tiến chức, để tiếp tục có vị trí tốt hơn mà đục khoét dân tình, nhũng nhiễu dân đen.Một tầng ý nghĩa khác, sâu sắc hơn của bức tranh này mà người xem có thể thấy: Mèo và chuột vốn là hai đối tượng xung khắc nhau, mâu thuẫn gay gắt, một sống một còn với nhau. Thế mà ở đây, chúng lại cùng nhau tồn tại. Tồn tại một cách “hoà bình”, tồn tại trong thế: kẻ yếu hơn muốn yên ổn, hạnh phúc thì phải cống nạp, chịu quy phục kẻ khác. Tham nhũng đã đưa những kẻ vốn đối đầu nhau xích lại gần nhau, thậm chí sống chung với nhau. Mới hay tham nhũng nguy hiểm biết nhường nào!Bức tranh “chống tham nhũng” này ra đời đã mấy trăm năm mà đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa.
* Ý kiến đề cao mèo:
Ý nghĩa khái quát trong tranh “Vinh quy” mà ta vẫn quen gọi là “Đám cưới chuột” dường như vẫn nguyên tác dụng trong xã hội hiện đại. Đã có rất nhiều người phân tích đề cập đến hình tượng những con chuột với sự láu lỉnh, đến thói xấu xa đục khoét vốn là bản chất của chúng, không từ cả việc xun xue bợ đỡ, đút lót để thăng tiến và yên thân. Có người còn đề cao thái độ có vẻ cầu hòa trong tranh để nói lên một khía cạnh của tư tuởng hòa bình .
Nhưng có thể nói, rất nhiều người coi nhân vật mèo như một kẻ quyền uy, vừa hung dữ vừa tham lam, chỉ biết ăn hối lộ mà lãng quên nhiệm vụ. Vậy khi đưa nhân vật mèo vào tranh, có phải các nghệ nhân Đông Hồ nhằm ý đó không?
Trong 12 con giáp, mèo là con vật hiền lành, nhỏ nhoi. Càng nhỏ nhoi hơn khi phải xếp thứ tự xen vào giữa hai con vật to lớn: hung dữ như hổ (Dần) và quyền uy như rồng (Thìn). Kể từ khi cùng nhiều con vật khác bỏ rừng về ở với người, mèo là con vật ngay từ đầu được con người tin cẩn giao cho nhiệm vụ diệt chuột, và nhiệm vụ đó, mèo đã thực thi nghiêm cẩn và thầm lặng suốt bao nhiêu đời nay. Đến nỗi, lũ chuột hễ nghe tiếng mèo là ba hồn bảy vía lủi mất.
Cho dù ít được gọi là mèo cảnh thì mèo vẫn được con người vuốt ve thương yêu từ rất sớm, trong mái nhà tranh đơn sơ nghèo đói xa xưa cho đến nhà tầng, nhà hộp ngày nay. Mèo là con vật ít lời, cam chịu, lại không hề khoe khoang ton hót. Đó là đức tính hoàn toàn ngược lại với chó, và với chó, bao giờ mèo cũng đành nhận phần thua thiệt.
Một con vật với đức khiêm nhường như thế, mẫn cán với nhiệm vụ như thế, làm sao các cụ nghệ nhân Đông Hồ lại gán cho cái tội chỉ biết tham ăn của đút mà từ bỏ nhiệm vụ của mình , trong khi kẻ hối lộ lại là lũ chuột! Nếu chỉ thích ăn hối lộ mà quên nhiệm vụ thì làm sao cho đến tận giờ, mèo vẫn là nỗi kinh hoàng của phường đục khoét?
Nhìn tranh, ta thấy bố cục được cắt thành hai tuyến. Tuyến phía trên là 4 nhân vật chuột vừa mang đồ hối lộ như chim, cá vừa thổi kèn inh ỏi tiến đến gặp mèo. Tuyến phía dưới là đám rước kiệu cùng với ngựa nghẽo, lọng ô biển hiệu vinh quy. Có người cho rằng vì không thể đưa ra một bố cục dài để mô tả đám rước trong thể loại tranh khắc trên ván gỗ mà các cụ đã tách làm đôi.
Tôi không nghĩ thế! Chính sự mô tả hai tuyến càng làm cho nội dung chủ đề bật lên rõ rệt. Tính cách lũ chuột láu lỉnh, vụng trộm được khắc họa thật điển hình: Đám rước kiệu lặng lẽ luồn lách đi trước, trong khi đám nịnh thần với những đồ hối lộ ầm ĩ trống kèn đánh lạc hướng.
Tại sao có thể nói đám rước kiệu vụng trộm đi trước? Quan sát tranh, ta thấy trong bốn nhân vật khiêng kiệu, có hai ngoái lại phía sau, nhân vật mang biển hiệu và cả nhân vật mũ mãng cân đai ngồi trên ngựa bước nhanh vẫn phải ngoảnh đầu nhìn lại. Động tác ngoái lại của lũ chuột trong đám rước, chỉ có thể phản ánh sự lo lắng phấp phỏng cho an toàn của chúng, khi thấy phía xa, đoàn hối lộ đang tiến đến gần mèo .
Nhân vật mèo trong tư thế ngồi, đuôi quật ra phía trước, hai mắt long lên như cảm thấy mình đang bị xúc phạm khi nhìn lũ chuột hối lộ. Không phải vô cớ mà các nghệ nhân Đông Hồ để một khoảng hở ngăn cách giữa con chuột đầu đàn với mèo. Nếu nhằm ý đồ phê phán mèo, hẳn các cụ sẽ vẽ khác, đại loại có thể cho nhân vật mèo giơ tay giằng lấy chú chim kia cho ngay vào miệng.
Một bàn chân trước của mèo giơ lên tựa hồ bàn tay đang giảng giải, phân tích, răn đe lũ chuột, rằng “ta biết tất thảy sự ranh mãnh của các ngươi. Rằng đừng hòng mua chuộc uy tín của ta. Lũ đục khoét chúng mày chớ mong thoát tội. Rằng trong ngày vui hôm nay, ta tạm để yên, nhưng trước hết chúng mày hãy dẹp ngay trò hối lộ và tắt ngay sự ồn ào thô lỗ đó!” Bàn chân giơ ra như thế không phải để nhận của hối lộ mà ngăn lại một việc làm tệ mạt.
Có lẽ đây chính là ý đồ cơ bản và rành mạch của các nghệ nhân Đông Hồ. Và nên chăng, chúng ta trả lại một chút công bằng cho nhân vật mèo trong bức tranh này. Hy vọng những chú mèo mãi cứ là nỗi kinh hoàng thường trực của bao nhiêu giống chuột.
Tuy có rất nhiều ý kiến trái chiều về bức tranh này, song tựu trung lại "Đám cưới chuột" vẫn là bức tranh gây được ấn tượng dai dẳng và được nhiều người ưa thích tìm mua và treo chơi.
Chúng tôi nhận đặt sản xuất các loại Tranh Đồng theo yêu cầu của quý khách hàng, nhận mạ vàng 24k lên bề mặt sản phẩm.